Dấu hiệu một số bệnh thường gặp ở trẻ em

Leave a Comment
Dấu hiệu một số bệnh thường gặp ở trẻ em
Sức khỏe của bé là niềm vui của ba mẹ. Vì vậy, việc nuôi dưỡng bé chu đáo luôn là ưu tiên hàng đầu của các gia đình.

Tuy nhiên, do sức đề kháng của trẻ nhỏ còn chưa hòan thiện nên trẻ dễ nhiễm một số loại bệnh có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển thể chất của bé. Một số dấu hiệu của những bệnh thường gặp dưới đây sẽ giúp các bậc phụ huynh có thêm kiến thức về chăm sóc trẻ:

Bệnh hen suyễn

Hiện nay ở Việt Nam, hen suyễn là một trong những bệnh mạn tính hàng đầu của trẻ em. Dấu hiệu của bệnh hen suyễn ở trẻ thuờng là ho, thở khò khè kéo dài. Tuy nhiên, không nhất thiết tất cả các trường hợp thở khò khè đều là biểu hiện của bệnh hen suyễn và cũng không phải tất cả các bệnh nhân mắc hen đều thở khò khè. Theo thống kê, có tới trên 50% trẻ em dưới 3 tuổi ít nhất đã từng thở khò khè 1 lần. Nhưng lại chỉ có 1/3 trong số đó mắc bệnh hen trước 6 tuổi.

Việc chẩn đoán đúng bệnh cũng khá khó khăn, bởi triệu chứng bệnh ở trẻ giống với một số bệnh về đường hô hấp khác như: viêm phế quản, viêm tiểu phế quản viêm phế quản dạng khò khè, … Thuốc kê toa thường là kháng sinh, vì thế trẻ thường bị lại ngay sau khi dứt thuốc. Có trẻ dùng nhiều quá, đến mức tiêu chảy, chậm lớn mà bệnh vẫn không dứt.

evavn blog

Biểu hiện của bệnh hen suyễn
(Ảnh: MH, nguồn internet)


Vì vậy, để đoán biết trẻ có bị bệnh hen suyễn hay không, bạn nên chú ý đến các dấu hiệu sau:

Có những biểu hiện lạ về hô hấp (tiếng thở nghe như tiếng rít hay như tiếng huýt sáo, những đợt thở rít tái đi tái lại, thường xuyên thở gấp)

Ho nhiều lần trong ngày, nhất là về đêm và gần sáng.

Ngủ không ngon giấc vì khó thở.

Bị ho hay thở khò khè sau khi vận động nhiều.

Hay quấy khóc và biếng ăn.

Có vấn đề về hố hấp vào một mùa nào đó nhất định trong năm.

Bị ho, khó thở hoặc đau ngực khi tiếp xúc với các tác nhân như lông thú vật, khói bụi, khói thuốc lá, thay đổi thời tiết, xúc động mạnh, …

Thường xuyên bị cảm nhập vào phổi.

Có người thân bị bệnh hen suyễn hay cơ địa dị ứng (mề đay, lác sữa, …).

Để có những kết luận chính xác hơn về bệnh trạng của trẻ thì ngoài việc quan sát và nhận biết các dấu hiệu trên, bạn nên đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời, việc tuân thủ nghiêm túc các liệu pháp điều trị y khoa để đảm bảo hiệu quả chữa trị tốt nhất cho trẻ.

Bệnh còi xương

Trẻ bị còi xương là do cơ thể bị thiếu hụt vitamin D, làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ và chuyển hóa canxi và phốtpho (là những chất cần thiết cho sự phát triển của xương).

Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, kiêng khem quá mức và chế độ ăn nghèo canxiphốtpho. Những trẻ không được bú mẹ dễ bị còi xương hơn trẻ bú mẹ.

Những dấu hiệu của bệnh còi xương thường là:

Trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc, hay giật mình, ra nhiều mồ hôi khi ngủ.

Xuất hiện rụng tóc vùng sau gáy tạo thành hình vành khăn.

Các biểu hiện ở xương: Thóp rộng, bờ thóp mềm, thóp lâu kín, có các bướu đỉnh, bướu trán (trán dô), đầu bẹp cá trê.

Các trường hợp còi xương nặng có di chứng (Chuỗi hạt sườn, nhô ức gà, vòng cổ chân, cổ tay, chân cong hình chữ X, chữ O).

Răng mọc chậm, trương lực cơ nhão, táo bón.

Chậm phát triển vận động (Chậm biết lẫy, biết bò, đi, đứng, …).

Trong trường hợp còi xương cấp tính trẻ có thể bị co giật do hạ canxi máu.

Hiện nay, liệu pháp y khoa thường được dùng để chữa trị bệnh còi xương ở trẻ là cho bé uống bổ sung canxi. Tuy nhiên, liều lượng dùng thuốc cũng như những phương pháp điều trị bổ sung như thế nào là do bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Các bậc cha mẹ nên tránh việc tự ý cho trẻ dùng thuốc để tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cháu.

Suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng thức chất không phải là một loại bệnh lý song đây lại là một trong những vấn đề sức khỏe đáng báo động ở trẻ em Việt Nam. Theo báo cáo của UNICEF (Quĩ nhi đồng Liên hiệp quốc) vào cuối năm 2007 thì nước ta có khoảng 2 triệu trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, chiếm tỷ lệ 1/3 số trẻ cùng độ tuổi.

Suy dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các chứng bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ như tiêu chảy, nhiễm trùng, sốt rét, một số bệnh đường hô hấp và tử vong. Suy dinh dưỡng cũng dẫn đến tình trạng kém phát triển thể lực, trí lực ở trẻ. Không chỉ những trẻ thiếu ăn hay sống trong nghèo đói mới gặp tình trạng trên, những trẻ sinh trưởng trong những gia đình có điều kiện kinh tế cũng có thể bị suy dinh dưỡng nếu những người chăm sóc trẻ không biết cách chăm sóc và điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý cho trẻ.

evavn blog

Trẻ bị suy dinh dưỡng
(Ảnh: MH, nguồn internet)

Để có thể sớm nhận biết tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ và có cách xử trí kịp thời, bạn có thể chú ý đến một số biểu hiện sau ở trẻ:

Chậm tăng cân, đứng cân hoặc sụt cân.

Biếng ăn, ăn ít, môi xanh, niêm mạc mắt nhợt nhạt.

Buồn bực, hay quấy khóc, ít vui chơi, kém linh hoạt.

Các bắp thịt tay chân mềm nhão, bụng to dần.

Chậm phát triển vận động: chậm biết lẫy, ngồi, bò, đi đứng.

Trẻ dễ bị suy dinh dưỡng nhất trong khoảng thời gian từ 6 đến 24 tháng tuổi. Đây là thời kỳ các em bé có nhu cầu dinh dưỡng cao, đang tập thích ứng với môi trường và rất nhạy cảm với bệnh tật; nhất là những trẻ không được bú sữa mẹ, sinh nhẹ cân hoặc sinh đa thai. Vì vậy, việc chú ý đến nhu cầu dinh dưỡng hợp lý ở trẻ là rất cần thiết để phòng tránh suy dinh dưỡng ở trẻ.

(Theo Webtretho)

0 comments :

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.